Getting your Trinity Audio player ready...
|
Tính đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện 171 người nhiễm HIV mới, trong đó có 82 người có hộ khẩu tại tỉnh. HIV luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (viết tắt là điều trị PrEP) chính là một trong những giải pháp tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Hiện nay trên toàn quốc đã có 213 cơ sở triển khai điều trị PrEP, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân điều trị PrEP tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu tháng 12/2021, đến 28/2/2022 đã điều trị được 40 người.
PrEP là gì? Những đối tượng nào cần điều trị PrEP?
PrEP – là viết tắt của từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), có nghĩa là dự phòng trước phơi nhiễm HIV và điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virút (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.
Đối tượng sử dụng của PrEP là tất cả những người chưa nhiễm HIV; những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới; người tiêm chích ma tuý; người chuyển giới nữ; người bán dâm; bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị nhưng tải lượng vi rút HIV trên 200 bản sao/ml, chưa đạt mức ức chế; những người tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV sau điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP).
Điều trị PrEP có những lợi ích gì?
Các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh sử dụng PrEP đúng cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90% qua đường tình dục và hơn 70% đối với nhóm tiêm chích ma túy.
PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới.
Thuốc điều trị PrEP uống như thế nào? Phải dùng sau bao lâu mới có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV?
Hiện nay, điều trị PrEP bằng thuốc ARV có chứa Tenofovir/Emtricitabine (TDF/FTC) hàm lượng TDF/FTC 300/200mg: uống 1 viên/ngày. Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn.
Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới qua đường hậu môn: Uống mỗi ngày 1 viên thì hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên trước khi quan hệ tình dục 2 – 24 giờ. Cần được tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng để bảo đảm hiệu quả cho lần phơi nhiễm HIV cuối cùng.
Với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 viên (1 viên/1 ngày) mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV. Sử dụng PrEP tiếp tục đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng để bảo vệ cho lần phơi nhiễm HIV cuối cùng.
Thuốc PrEP có an toàn không? Có tác dụng phụ không? Đối với những trường hợp nào chống chỉ định sử dụng PrEP?
PrEP an toàn với mọi người kể cả phụ nữ mang thai. Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn… Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Cần trao đổi với bác sỹ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (ít gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận, vì vậy điều quan trọng là người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ.
Chi phí khi điều trị PrEP
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đang được hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu nên tất cả mọi chi phí liên quan đến xét nghiệm, thuốc… đều được miễn phí hoàn toàn. Đồng thời những người giới thiệu được bệnh nhân tham gia điều trị PrEP sẽ được dự án hỗ trợ kinh phí xăng xe đi lại.
Tại Vĩnh Phúc khách hàng có thể nhận dịch vụ PrEP ở đâu?
Tại Vĩnh Phúc, khách hàng có thể đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc để được khám, tư vấn và điều trị PrEP.
Số điện thoại để tư vấn điều trị PrEP: 02113.726.519
Địa chỉ: Cơ sở 2, thôn Trung Thành, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (cạnh Bệnh viện Lạc Việt Vĩnh Phúc)
Phạm Văn Dũng – Khoa TTGDSK
Leave a comment