Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Vai trò của tuân thủ trong điều trị HIV/AIDS và một số giải pháp giúp tuân thủ

Vai trò của tuân thủ trong điều trị HIV/AIDS và một số giải pháp giúp tuân thủ

Getting your Trinity Audio player ready...

Tuân thủ là điều cốt lõi cho sự thành công của điều trị thuốc ARV đem lại hiệu quả cho điều trị và điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.

Tuân thủ dùng thuốc là uống thuốc đủ liều được chỉ định và uống đúng giờ.

Tuân thủ là cốt lõi để đạt được mục đích là đem lại hiệu quả của điều trị. Đối với người nhiễm HIV/AIDS, việc chỉ định dùng thuốc kéo dài suốt cả cuộc đời nên chỉ có tuân thủ tốt mới có thể ngăn chặn được virus, phòng tránh kháng thuốc và duy trì toàn diện sức khỏe cho người bệnh.

Người nhiễm HIV thực hiện đúng các chỉ định của thầy thuốc sẽ giúp bệnh nhân không hoặc ít mắc các nhiễm trùng cơ hội, tránh thất bại trong điều trị và xuất hiện hiện tượng kháng thuốc.

HIV có tỷ lệ nhân lên và đột biến rất cao. Nếu không tuân thủ sẽ dẫn đến việc nồng độ thuốc trong máu thấp, các đột biến của HIV sẽ xuất hiện sự kháng thuốc. Cả thuốc ức chế enzym protease (PI) lẫn thuốc ức chế enzym sao mã ngược đều có hiện tượng kháng thuốc rộng theo nhóm: nghĩa là khi có hiện tượng kháng một loại thuốc trong nhóm xảy ra thì thông thường sẽ dẫn đến việc kháng thuốc tất cả thuốc của nhóm đó. Vì thế, việc không tuân thủ một phác đồ điều trị có thể dẫn đến hiện tượng virus kháng lại với nhiều loại thuốc chống virus.

Bệnh nhân phải uống thuốc đúng liều lượng chỉ định: Số lần quên thuốc trong 1 tháng nếu từ 3 lần/ tháng trở xuống là tuân thủ điều trị tốt. Nếu quên thuốc > 3 lần /1tháng, điều trị có thể thất bại. Đối với các thuốc uống 2 lần/ngày khoảng cách giữa các lần uống thuốc phải cách nhau 12 giờ để đảm bảo tác dụng và an toàn tránh việc nồng độ đỉnh của thuốc quá thấp không đạt ngưỡng điều trị sẽ gây kháng thuốc cũng như quá cao sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân. Như vậy, mỗi ngày bệnh nhân sẽ phải uống thuốc 2 lần vào những giờ nhất định trong ngày. Thuốc ARV phải được uống đúng giờ, uống sớm hoặc muộn thuốc nghĩa là uống cách giờ quy định quá 60 phút.

Việc tuân thủ điều trị sẽ mang lại lợi ích sau đây cho người bệnh:

– Sử dụng các thuốc dự phòng tiên phát đúng theo chỉ dẫn sẽ phòng ngừa được các nhiễm trùng cơ hội như: viêm phổi do nhiễm nấm PCP, viêm não do Toxoplasma, nhiễm nấm Cryptococus, nhiễm MAC.

– Sử dụng các thuốc nhiễm trùng thứ phát đúng theo chỉ dẫn sẽ phòng ngừa các nhiễm trùng thứ phát, làm giảm tần xuất hoặc không xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội sẽ cải thiện được sức khỏe vả về thể chất và tinh thần cho bệnh nhân.

– Khuyến khích lối sống lành mạnh thông qua các thay đổi hành vi, nghĩa là ngừng tiêm chích ma túy, có các hành động phòng lây nhiễm HIV, chế độ ăn hợp lý, vận động thân thể, lạc quan, có niễm vui và lòng tin, có sức khỏe về thể chất tốt, từng bước tham gia các hoạt động trong môi trường gia đình và xã hội góp phần đem lại sức khỏe cho chính mình và đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

– Khi được điều trị thuốc ARV, nếu dùng thuốc theo đúng hướng dẫn sẽ làm giảm nồng độ virus, ngăn ngừa kháng thuốc và làm chậm tiến triển của bệnh.

Cách xử trí khi quên uống thuốc: Nếu quên thuốc dưới 4 giờ bệnh nhân phải uống bù ngay, nếu ngoài 4 giờ bệnh nhân phải chờ đến lần uống sau.

Các biện pháp giúp bệnh nhân tuân thủ: động viên bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế theo lịch hẹn để được củng cố về tầm quan trọng của tuân thủ điều trị. Cung cấp đầy đủ thông tin về điều trị ARV cho bệnh nhân: phác đồ điều trị, loại thuốc, số viên thuốc, cách uống, tác dụng phụ của thuốc…Bệnh nhân phải chủ động có thời gian biểu dùng thuốc hợp lý và đúng cách, động viên bệnh nói về các rào cản của tuân thủ, giúp tìm cách khắc phục các rào cản này. Người hỗ trợ điều trị phải hiểu được và thực hiện các việc phải làm để giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn.

Số điện thoại tư vấn điều trị HIV/AIDS: 02113722550

Phạm Văn Dũng- Khoa TTGDSK

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc