Getting your Trinity Audio player ready...
|
Chiều ngày 18/6/2024, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề công tác thông tin truyền thông Ngành Y tế qúy II/2024. Đồng chí Phùng Thị Thu Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại Sở Y tế có các đồng chí Lãnh đạo Sở Y tế, các đồng chí là thành viên mạng lưới truyền thông của Ngành Y tế. Tại các điểm cầu trực tuyến có sự tham gia của đại biểu là Giám đốc và cán bộ tham gia mạng lưới truyền thông của các đơn vị thuộc Sở Y tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo kết quả triển khai công tác truyền thông 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, cụ thể: Sở Y tế đã triển khai kịp thời các văn bản, kế hoạch liên quan đến công tác thông tin, truyền thông về chủ trương, chính sách, công tác chuyên môn đến các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện/ thành phố và các đơn vị y tế trong ngành; phối hợp các cơ quan báo trí xây dựng và phát sóng 159 tin, phóng sự (trong đó có 78 phóng sự thuộc chuyên mục các vấn đề xã hội, Y tế sức khỏe, bản tin sức sức khỏe, chuyên mục sức khỏe); Viết và đăng 97 tin, bài truyền thông về các lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dân số KHHGĐ và tâm thần; gần 40.000 lượt phát thanh được phát trên Đài Phát thanh huyện, thành phố và trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; in ấn 91.500 tờ rơi, 57 áp phích, 63 pano và 25.000 tài liệu khác (bản tin, sổ tay, standee…); 179 video clip và 714 tin bài được các đơn vị truyền thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, Fanpage, youtube); truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với hơn 101 buổi với hơn 17.000 tham dự.
Các cơ quan, đơn vị y tế luôn chủ động đưa tin, bài, thông điệp truyền thông trên hệ thống Website đơn vị, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên. Trong đó, khoa TTGDSK (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc) là đơn vị đầu mối về công tác TTGDSK của ngành Y tế luôn không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, hiện đã có đủ năng lực tự sản xuất các phóng sự truyền hình, video clip tuyên truyền, sản xuất Sách điện tử, hướng dẫn check in tài liệu tham khảo bằng mã QR nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện các bài viết chuyên sâu, thiết kế, sản xuất các tài liệu, ấn phẩm truyền thông cho các đơn vị Y tế trên toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe 03 tham luận của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung “Truyền thông lĩnh vực khám chữa bệnh và hoạt động Cổng TTGTĐT Bệnh viện”; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung “Truyền thông giáo dục sức khỏe trong lĩnh y tế dự phòng”; Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình với nội dung “Truyền thông lĩnh vực dân số và phát triển” và Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc với nội dung “Truyền thông Y tế qua mạng xã hội”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu do nguồn nhân lực làm công tác truyền thông tại các đơn vị y tế chủ yếu là kiêm nhiệm, làm nhiều công việc nên chưa có nhiều thời gian đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông tại cơ sở; cán bộ có chuyên môn về báo chí, truyền hình rất ít đơn vị có, trong khi một số cán bộ hiện làm công tác truyền thông chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về lĩnh vực truyền thông. Kinh phí đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất và các hoạt động còn thấp, đặc biệt là hệ thống trang thiết bị để đáp ứng với yêu cầu hiện nay về công tác truyền thông đa phương tiện, truyền thông công nghệ cao vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó mạng lưới truyền thông của ngành mới được thành lập, hiện chỉ chưa có nhiều hoạt động để đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Để góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động truyền thông y tế tại các đơn vị Y tế, đồng chí Hoàng Thị Lệ Thúy- Trưởng Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) với báo cáo tại Hội nghị đã nêu ra 8 giải pháp, cụ thể: Thứ nhất, xác định truyền thông y tế là nhiệm vụ quan trọng; Thứ hai, triển khai có hiệu quả hoạt động của mạng lưới truyền thông y tế; thứ ba, cần đầu tư nguồn lực phát triển truyền thông Y tế; Thứ tư, luôn đổi mới phương thức truyền thông Y tế; Thứ năm, cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện Kho dữ liệu truyền thông của đơn vị Y tế, của Ngành Y tế; Thứ sáu, chủ động phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông, các ban ngành đoàn thể; UBND cấp huyện, xã; Thứ bảy, cần có sự quan hệ báo chí và thông tấn và giải pháp; Thứ tám, các đơn vị Y tế cần chủ động trước những khủng hoảng truyền thông.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc một lần nữa khẳng định hoạt động truyền thông có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành đặc biệt là vai trò của mạng lưới truyền thông y tế của Ngành Y tế. Đồng chí đề nghị tất cả các đơn vị y tế quan tâm và tạo mọi điều kiện để duy trì, nâng cao chất lượng truyền thông, triển khai các nhiệm vụ cụ thể:
1. Tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan báo chí, tạp chí, báo điện tử, sự đồng thuận của các Sở, ban, ngành, UBND tuyến huyện, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn để thống nhất sự phát ngôn về truyền thông Y tế, cập nhật cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn.
2. Các đơn vị y tế rà soát, thống kê lại các trang thiết bị truyền thông của đơn vị mình, của các đơn vị y tế trực thuộc, các Trạm Y tế xã để phân luồng trang thiết bị quản lý, mua sắm theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Đặc biệt đề xuất bổ sung kịp thời trang thiết bị truyền thông cơ bản (loa kéo, máy ảnh) cho các Trạm Y tế còn thiếu.
3. Tiếp tục xây dựng các hình thức truyền thông, sản phẩm truyền thông số hóa theo nội dung lĩnh vực chuyên môn của từng đơn vị để kịp thời thông tin, tuyên truyền cho người bệnh, người dân.
4. Đẩy mạnh nâng cao năng lực truyền thông: Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức các lớp tập huận, đào tạo nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ thuộc mạng lưới truyền thông. Các đơn vị Y tế qua đó xây dựng Kế hoạch tập huấn lại cho cán bộ y tế của đơn vị mình về kỹ năng tổng hợp, viết tin bài, kỹ năng xử lý tình huống trước các cơ quan, đơn vị truyền thông, báo chí.
5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đầu mối xây dựng tất cả các chương trinh truyền thông trong lĩnh vực dự phòng- xây dựng kho dữ liệu mới, xây dựng các sản phẩm truyền thông mới (số hóa có mã QR), tuyên truyền cho các đơn vị có nhu cầu tham khảo; Tổng hợp, tham mưu văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành trong phát ngôn và cung cấp thông tin với báo chí trong lĩnh vực Y tế; Liên hệ mời các chuyên gia lĩnh vực truyền thông về hướng dẫn kỹ năng xử lý, trả lời báo chí trước các tình huống y tế khẩn cấp xảy ra cho các đơn vị Y tế; Tham mưu xây dựng biểu mẫu báo cáo định kỳ, nội dung chuyên đề chuyên sâu tại các hội nghị giao ban định kỳ của mạng lưới truyền thông.
Đồng chí nhấn mạnh: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị Y tế trực thuộc cơ bản triển khai tích cực các hoạt động truyền thông, tổ chức các sự kiện, chính sách của ngành Y tế kịp thời theo các chủ đề truyền thông trọng điểm. Bên cạnh các hình thức và phương tiện truyền thông phổ biến, các đơn vị đã thực hiện triển khai có hiệu quả truyền thông theo phương thức số hóa như tuyên truyền qua các nền tảng số, xây dựng các tài liệu truyền thông điện tử, đẩy mạnh sự phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự khó khăn về nhân lực trong giai đoạn hiện tại, các đơn vị cần bổ sung, hoàn thiện nguồn nhân lực làm công tác truyền thông, xây dựng mạng lưới truyền thông y tế đồng bộ, rộng khắp, qua đó tiếp cận hiệu quả với người dân, góp phần lan toả, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh thương hiệu, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế, đồng thời trang bị thêm kiến thức sức khoẻ hữu ích tới người dân, cộng đồng và xã hội”./.
Khổng Dũng – Ngọc Mai
Leave a comment