Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Dinh dưỡng Có nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn?

Có nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn?

Getting your Trinity Audio player ready...

Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé yêu bú hoàn toàn sữa được tiết ra từ vú của người mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung thêm bất kỳ thực phẩm nào khác, kể cả nước lọc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến khích mẹ nên cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không sử dụng sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc. Sau khoảng thời gian này, khi bé ăn được các loại thực phẩm khác, vẫn khuyến khích tiếp tục cho bé bú sữa mẹ trong suốt 1 năm đầu đời. Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và phù hợp nhất cho bé, “tiêu chuẩn vàng cho dinh dưỡng trẻ nhũ nhi”. Sữa mẹ cân bằng tối ưu các chất dinh dưỡng cho trẻ đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bởi trong sữa mẹ chứa đủ những chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, năng lượng, vitamin và muối khoáng, có tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu của hệ tiêu hóa và phát triển của bé.

Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng với hàm lượng phù hợp cho trẻ nhỏ. Cụ thể là:

Protein (chất đạm) có trong sữa mẹ ít hơn sữa động vật, rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của bé chưa trưởng thành. Protein trong sữa mẹ là dạng lỏng hòa tan, còn được gọi là Protein sữa, rất phù hợp với hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu của bé.

Protein trong sữa bò chủ yếu là Casein, khi vào dạ dày dễ tạo thành cục vón đông làm bé khó tiêu hóa và hấp thu, kết quả là bé dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, Protein sữa còn chứa nhiều kháng khuẩn, giúp bé tăng cường miễn dịch chống lại các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Lipid (chất béo) có trong sữa mẹ là một dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe của bé. Chất béo có vai trò là nguồn cung cấp calo chính, giúp cơ thể bé dễ hấp thu các vitamin tan trong chất béo. Thêm vào đó, các chuỗi axit béo còn rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh, võng mạc và giúp hệ miễn dịch của bé được khỏe mạnh, hoàn thiện theo thời gian.

Carbohydrate (tinh bột) trong sữa mẹ gồm Lactose và Oligosaccharide (Lactose chiếm khoảng 40% tổng lượng calo sữa mẹ cung cấp). Lactose có vai trò giảm lượng lớn vi khuẩn có hại bên trong dạ dày của bé, cải thiện khả năng hấp thu các dưỡng chất như canxi, magie và photpho. Lactose còn thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn có trong dạ dày, giúp bé tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.

Oligosaccharide hoạt động như Prebiotics, có nhiệm vụ cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột của bé, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ viêm não.

Vitamin và khoáng chất là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, lượng vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào lượng vitamin do cơ thể mẹ cung cấp. Đó là lý do tại sao người mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Khi chuẩn bị kế hoạch có em bé, trong thai kỳ và thậm chí là sau khi sinh, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất phù hợp.

Kháng thể có trong sữa mẹ sẽ giúp bé chống lại được nhiều bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ chứa đến hàng triệu tế bào bạch cầu và Globulin miễn dịch, có vai trò vô hiệu hóa vi khuẩn và virus có hại, bảo vệ bé phát triển khỏe mạnh. Enzyme và hormone giúp tăng tốc độ hấp thu và cân bằng sinh hóa, đảm bảo cơ thể bé hoạt động bình thường. Trong sữa mẹ có hơn 40 loại enzyme hỗ trợ hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ chứa nhiều hormone như Prolactin, Oxytocin, Thyroid… giúp bé bú mẹ nhiều hơn, ngủ ngon hơn, đặc biệt tăng kết nối mẹ và bé.

(Nguồn ST)

Hoàng Thị Lệ Thúy – Khoa TTGDSK

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc