Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Bệnh truyền nhiễm Bài phát thanh: Tuyên truyền phòng chống bệnh Lao

Bài phát thanh: Tuyên truyền phòng chống bệnh Lao

Getting your Trinity Audio player ready...

Bà con nhân dân và các bạn thân mếm!

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài, liên tục mà không có các biện pháp phòng tránh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10,6 triệu người mắc lao, trong đó gần 1,3 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, theo số liệu của Chương trình Chống lao Quốc gia, năm 2023, nước ta phát hiện khoảng 100.000 ca mắc mới và có tới 12.000 ca tử vong do bệnh lao. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (như ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ. Thuốc chữa lao được cấp miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hay tự chữa trị tại nhà.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, cần thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh lao như sau:

– Tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh ngay trong tháng đầu sau sinh. Đây là biện pháp quan trọng giúp trẻ nhỏ có miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh lao nặng.

– Đi khám ngay nếu ho kéo dài trên 2 tuần. Nếu thấy ho lâu ngày không dứt, hãy đến cơ sở y tế để xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi nhằm phát hiện bệnh sớm.

– Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân phải đeo khẩu trang thường xuyên, không khạc nhổ bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ; Ngoài ra, chăn, chiếu, vật dụng cá nhân cũng nên phơi ngoài nắng hàng ngày để tiêu diệt vi khuẩn lao.

– Duy trì môi trường sống trong lành, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh nơi ẩm thấp. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực thường xuyên sẽ giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.

– Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Bệnh lao có thể chữa khỏi, nhưng quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào hoặc cần tư vấn về bệnh lao, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng chống lao là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao.

Phạm Văn Dũng – Khoa TTGDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc.

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *