Trang chủ Tin nổi bật Hội nghị trực tuyến về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Hội nghị trực tuyến về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Getting your Trinity Audio player ready...

Ngày 7/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Lê Hồng Trung – Giám đốc Sở Y tế, cùng các Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo các đơn vị y tế tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng chí Lê Hồng Trung – Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đặc biệt là việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Công tác quản lý chất lượng và phòng, chống thuốc giả luôn được Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành chức năng quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả tại Thanh Hóa. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 55 nhằm chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Y tế cũng phối hợp với các bộ, ngành trong công tác phòng, chống thuốc giả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thị trường; tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Trong đó năm 2024, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã triển khai 80 đoàn kiểm tra thực hành tốt sản xuất thuốc, tạm dừng hoạt động 1 phần của 1 cơ sở. Thanh tra Bộ Y tế cũng tiến hành 50 đoàn thanh tra về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Chỉ trong đầu năm 2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố. Những nguyên nhân chính của việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả: Lợi nhuận cao, lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng hiện nay, mức độ tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, nhận thức của người tiêu dùng còn thấp. Để đối phó, Bộ Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, hậu kiểm, thu hồi sản phẩm vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung phân tích, trao đổi xoay quanh hai nhóm vấn đề trọng tâm được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên định hướng từ đầu phiên làm việc. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách và những bất cập trong tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh một số giải pháp căn cơ, cấp bách cần được triển khai nghiêm túc, quyết liệt trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng dược phẩm, thực phẩm chức năng và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trước hết, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư ngày 21/10/2022 về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025. Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025. Đồng thời tham mưu hoàn thiện sửa đổi bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 phù hợp tình hình mới; Đẩy mạnh quản lý về chất lượng, siết chặt quản lý về đăng ký, tự công bố, cơ chế thu hồi giấy phép, tạm dừng tiếp nhận thủ tục hành chính khi doanh nghiệp chưa khắc phục thu hồi và tăng cường công tác hậu kiểm, nhất là kiểm tra đột xuất; thiết lập tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc đối với sữa và thực phẩm chức năng; Yêu cầu doanh nghiệp phải công bố hoặc tự công bố chất lượng và phương pháp kiểm tra cho cơ quan chức năng; tăng cường truyền thông thực phẩm chức năng để cho người dân hiểu đúng, dùng đúng, làm đúng và tuyên truyền về tác hại thuốc giả; xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị quảng cáo và cá nhân tham gia quảng cáo khi có hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng; Thứ trưởng nhấn mạnh việc nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là cần thiết để tạo tính răn đe đủ mạnh, qua đó bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức độc lập trong hoạt động đánh giá chất lượng, theo dõi phản ánh của người tiêu dùng về thuốc giả và an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý.

Một số hình ảnh Hội nghị:

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *