Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm Thế giới năm 2025 (09-15/3/2025)

Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm Thế giới năm 2025 (09-15/3/2025)

Getting your Trinity Audio player ready...

Bệnh Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới. Bệnh có diễn tiến thầm lặng và gây mất thị lực không có khả năng phục hồi. Song phần lớn dân số toàn cầu chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của bệnh lý này.

Nhằm tăng cường nhận thức về bệnh Glôcôm, tăng cường hoạt động tư vấn kiến thức cộng đồng về cách phòng tránh và điều trị bệnh này, Hiệp hội Glôcôm thế giới (World Glaucoma Association) đã tổ chức “Tuần lễ Glôcôm thế giới”. Năm 2025, tuần lễ sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 9 – 15/03/2025. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về bệnh Glôcôm, tăng cường hoạt động tư vấn và kiến thức cộng đồng về cách phòng tránh và điều trị bệnh này với thông điệp “Đoàn kết để thế giới hết bệnh Glôcôm” nhằm mục đích cảnh báo mọi người nên khám chuyên khoa mắt và thần kinh thị giác thường xuyên để phát hiện bệnh Glôcôm càng sớm càng tốt để để được điều trị thành công và kịp thời giúp bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn và giảm nguy cơ mù lòa về sau.

Glôcôm là một nhóm bệnh về mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giác kéo dài suốt đời. Bệnh có thể dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác là do tình trạng tăng áp lực trong nhãn cầu.

1. Đối tượng có nguy cơ 

    • Người ở độ tuổi ngoài 40
    • Gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm
    • Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
    • Người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp.
    • Sử dụng corticosteroid trong thời gian dài .
    • Chấn thương hoặc phẫu thuật mắt trước đó.

    2. Triệu chứng

    Với mỗi thể bệnh Glôcôm, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng khác nhau: 

    Glôcôm góc đóng cấp tính: biểu hiện dễ nhận thấy là mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. 

    Glôcôm mãn tính (glôcôm góc đóng nguyên phát mãn tính, glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử, glôcôm góc mở nguyên phát): bệnh diễn ra âm thầm, thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, bệnh nhân thường đến khám khi thị lực giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.

    3. Điều trị và phòng bệnh

    Điều trị phẫu thuật được chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh. Điều trị nội khoa chỉ được chỉ định tạm thời trong những trường hợp cấp cứu cũng như trong thời gian chờ đợi phẫu thuật, hoặc những trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh toàn thân nặng không có khả năng điều trị phẫu thuật.

    Mục đích của việc điều trị Glôcôm là ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

    Mục đích chính của việc điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục tiến triển gây tổn thương thần kinh thị giác. Đây là bệnh lý không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công.

    Phòng bệnh Glôcôm chỉ có một cách duy nhất, đó là những người trên 40 tuổi hoặc có họ hàng với người đã bị Glôcôm hàng năm phải đi đo áp lực mắt một lần tại các cơ sở có chuyên khoa mắt. Có thể phòng tránh được mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên.

    BS Nguyễn Vinh QuangTrung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc

    Leave a comment

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *