Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Bệnh truyền nhiễm Phòng chống bệnh sởi bằng cách nào?

Phòng chống bệnh sởi bằng cách nào?

Getting your Trinity Audio player ready...

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Bệnh sởi vẫn tiếp tục xảy ra rải rác tại một số địa phương chủ yếu ở nhóm chưa được tiêm vắc xin sởi.

Để phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ cần được thực hiện đúng thời điểm để giúp trẻ tạo miễn dịch và phòng bệnh hiệu quả nhất. Lịch tiêm chủng như sau:

Vắc-xin sởi đơn: Mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi. Nếu tiếp tục chọn tiêm vắc-xin sởi đơn, mũi 2 cần được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Cả hai mũi tiêm này đều được chủng ngừa tại trạm y tế địa phương và nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ 4 – 5 tuổi cần tiêm nhắc lại mũi 3.

Vắc-xin sởi cho bé dạng phối hợp MMR II (phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella): Mũi 1 khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi. Mũi 2 khi trẻ 4 – 6 tuổi. Trường hợp có dịch sởi xuất hiện có thể tiêm nhắc lại sớm hơn nhưng cần đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Vắc-xin sởi phối hợp chỉ cần chủng ngừa 2 mũi và đều được thực hiện tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Khi trẻ mắc sởi, cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Tải file phát thanh truyền thông PC bệnh sởi tại đây:

Infographic tải tại đây:

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc