Getting your Trinity Audio player ready...
|
I. KHÁI NIỆM
Bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ (1).
Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm (2)
1. Tình hình nhiễm sán lá gan (3)
Bệnh sán lá gan nhỏ: phân bố rộng khắp trên thế giới; theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 3 triệu người ở các nước Thái Lan, Lào, Cămpuchia, miền Nam Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ Opisthorchis viverrini; trên 19 triệu người ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, và Bắc Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis. Riêng ở Việt Nam, đã xác định phân bố ít nhất ở 21 tỉnh/thành phố miền Bắc (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông). Tỷ lệ nhiễm tùy theo từng vùng, có nơi nhiễm cao từ 15-37% như Ninh Bình, Nam Định, Phú Yên và Bình Định.
– Bệnh sán lá gan lớn: loài Fasciola hepatica phân bố chủ yếu ở Châu Âu (Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Mỹ (Achentina, Bôlivia, Ecuado, Pêru), châu Phi (Ai Cập, Etiopia), châu Á (Hàn Quốc, Papua-niu-ghinê, Iran và một số vùng của Nhật Bản). Loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Philippines và Việt Nam. Ở Việt Nam cho đến nay bệnh sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nhiễm cao nhất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng).
2. Đường lây truyền
Người mắc bệnh sán lá gan lớn: do ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen… hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn (1).
Hình 1. Chu kỳ sinh học của sán lá gan lớn
Hình 2. Hình ảnh sán lá gan lớn
Người nhiễm sán lá gan nhỏ: khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói…(2)
Hình 4. Hình ảnh sán lá gan nhỏ
3. Triệu chứng của nhiễm sán lá gan
3.1. Triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn (1):
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.
– Chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu, đôi khi đau thượng vị.
– Có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài.
– Một số trường hợp kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, sẩn ngứa/mề đay.
– Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn….
3.2. Triệu chứng của bệnh sán lá gan nhỏ (2)
Tuỳ thuộc vào thời gian mắc bệnh và cường độ nhiễm cũng như các yếu tố ảnh hưởng mà các biểu hiện lâm sàng điển hình hay không điển hình. Đa số trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng hoặc có một số triệu chứng như:
– Rối loạn tiêu hóa: phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên.
– Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
– Đau tức hạ sườn phải và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp bị sạm da
– Gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.
4. Tác hại của bệnh do sán lá gan (1,2)
4.1. Thể nhẹ
- Triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng, chỉ khi khám sức khỏe mới phát hiện tổn thương.
- Người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu, rối loạn tiêu hóa
4.2. Thể trung bình
- Đau bụng: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80 % các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức.
- Sốt: Sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài.
- Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt. Gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài.
- Vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có xạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật.
- Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa (Phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch), buồn nôn.
4.3. Thể nặng
- Một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa….
- Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau.
- Có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da gặp ở 20-30 % người bệnh, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu.
- Ho, khó thở.
- Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút.
- Sốt: sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi hết, đôi khi sốt kéo dài.
- Tràn dịch màng phổi.
- Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.
- Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan toả, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc. Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật gây tử vong.
- Có trường hợp vỡ gan (Việt Nam đã gặp 1 trường hợp năm 2014).
Hình 5. Cá nhiễm sán và lá gan nhiễm sán
- ĐIỀU TRỊ SÁN LÁ GAN
- Nguyên tắc điều trị (1,2)
– Điều trị bằng thuốc đặc hiệu để diệt sán lá gan lớn. Dùng thuốc lợi mật, nhuận tràng trước và sau điều trị thuốc đặc hiệu.
– Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, giảm đau…
– Nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi điều trị bệnh nền.
– Người bệnh tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.
– Nếu bệnh nhân còn nhiễm bệnh sán lá gan lớn thì tiếp tục điều trị nhắc lại liệu trình điều trị.
II. ĐIỀU TRỊ SÁN LÁ GAN
2.1. Bệnh sán lá gan lớn (1)
****– Thuốc Triclabendazole 250 mg liều duy nhất 20 mg/kg/ngày, chia 2 lần cách nhau giờ 6-8 giờ sau ăn no.
2.2. Bệnh sán lá gan nhỏ (2)
Thuốc: Praziquantel viên nén 600 mg dung đối với người lớn và trẻ em ≥ 4 tuổi:
+ Praziquantel liều 75 mg/kg chia 3 lần/ngày, dùng 1 ngày, uống cách nhau 4 giờ sau ăn.
- Hoặc Praziquantel liều 25 mg/kg/ngày x 3 ngày, uống sau ăn.
Đối với các thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, bác sỹ và người bệnh cần thận trọng với thông tin liên quan đến chống chỉ định và tác dụng không mong muốn của thuốc
Hình 6. Một số loại thuốc điều trị sán lá gan lơn, sán lá gan nhỏ hiện nay
III. CÁCH PHÒNG BỆNH SÁN LÁ GAN (1,2):
– Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
– Truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về phòng chống bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ.
– Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín, Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước;
– Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh. Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Định kỳ tẩy sán cho động vật nuôi: trâu, bò, cừu, dê, chó, mèo, lợn…
– Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước.
Ths. Nguyễn Quốc Hải – Khoa KST-CT
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc
Leave a comment