Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Bệnh nghề nghiệp Chăm lo sức khỏe cho người lao động trong ngành y tế

Chăm lo sức khỏe cho người lao động trong ngành y tế

Getting your Trinity Audio player ready...

“An toàn lao động, vệ sinh lao động” theo nghĩa rộng được hiểu là tổng hợp các biện pháp về khoa học – kĩ thuật, y tế – vệ sinh học, kinh tế học… được tiến hành nhằm thiết lập điều kiện làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị tai nạn lao động hoặc giảm thiểu tỉ lệ người bị mắc bệnh nghề nghiệp trong môi trường làm việc.

Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm có hại và tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, công tác về an toàn, vệ sinh lao động được xem là là một trong những chính sách kinh tế – xã hội lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, là một nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, với quan điểm nhất quán luôn coi việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động là trách nhiệm và lợi ích thiết thực nhất đối với người sử dụng lao động, người lao động và xã hội.

Nghề y là nghề đặc biệt, lao động ngành y tế là loại hình lao động đặc biệt vì đối tượng tác động là con người, thực hành công việc mang tính khẩn trương liên tục. Toàn bộ người lao động làm việc trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập (gọi chung là nhân viên y tế) phải trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, trực tiếp tiếp xúc các bệnh phẩm nguy hiểm độc hại và xử lý các vụ dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao như HIV/AIDS, viêm gan vi rút, vi khuẩn lao, SARS, H5N1 và đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn ra nên rất dễ bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, nhân viên y tế (NVYT) còn chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi, tiếng ồn, điện từ trường, phóng xạ, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn… Cùng với tính chất công việc đòi hỏi sự tập trung, khối lượng công việc lớn và trách nhiệm cao có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong ngành. Chính vì vậy, ngành Y tế luôn chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), bảo vệ người lao động trước những rủi ro ốm đau, tai nạn nghề nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho nguời lao động. Các chế độ chính sách về công tác ATVSLĐ đã được triển khai thực hiện. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 cho các NVYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh như xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Trong tháng 5 năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn thực hiện vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại 09 Trung tâm Y tế huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ kết quả giám sát hỗ trợ nhận thấy, các Trung tâm y tế đã xây dựng kế hoạch An toàn, vệ sinh lao động, thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động; có tố chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (hoặc đã xây dựng Kế hoạch khám trong năm); thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật và có trang bị bảo hộ lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như: chưa lập hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động theo biểu mẫu quy định; chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động; các đơn vị chưa thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm và khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp.

Để đảm bảo ATVSLĐ, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NVYT, các đơn vị trong ngành Y tế khi triển khai kế hoạch công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cần lưu ý:

  1. Lập Hồ sơ vệ sinh lao động môi trường lao động, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại (Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động).
  2. Quan trắc môi trường lao động định kỳ. Khi quan trắc môi trường lao động, đơn vị cần đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp tại các vị trí có yếu tố nguy cơ nghề nghiệp và quan trắc tia X tại phòng X-quang. (Luật An toàn vệ sinh lao động  năm 2015; Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động).
  3. Thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp (Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe; Thông tư  28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế Hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần quan tâm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, công trình vệ sinh phúc lợi tại nơi làm việc. Đối với những đơn vị có sử dụng nhiều chủng loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như nồi hấp áp lực, lò hơi, hệ thống khí nén, hệ thống oxy lỏng, bình khí nén, máy X-quang, thang máy, hệ thống điều hòa trung tâm, hóa chất…cần phải đăng ký và kiểm định nhằm đảm bảo thực hiện theo quy định và phòng ngừa các sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chính là giảm thiểu những rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, tăng năng suất lao động và tăng chất lượng chăm sóc người bệnh.

Nguyễn Vinh Quang

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Dinh dưỡng cho bé trong mùa nóng

Mùa hè, thời tiết nóng bức, cơ thể trẻ sẽ dễ mệt...

BÀI PHÁT THANH AN TOÀN TIÊM CHỦNG

Getting your Trinity Audio player ready... Tiêm chủng là cách tốt nhất...

Dinh dưỡng cho trẻ từ 7-24 tháng tuổi

Getting your Trinity Audio player ready... Ăn bổ sung (hay còn gọi...

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc