Bệnh liên cầu lợn

Getting your Trinity Audio player ready...

Bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Tỷ lệ tử vong có thể đạt đến 7%.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố. Trong đó trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 2 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội trong thời gian cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2023 đã phát hiện và điều trị cho 2 bệnh nhân được chẩn đoán mắc Liên cầu lợn.

Nguyên nhân gây bệnh và đường lây truyền:

Nguyên nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn Streptococcus suis, được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới tại những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. Hiện có 2 týp liên cầu lợn: Týp I, hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. S.suis týp II thường gây bệnh cho người.

Đường lây truyền: Ổ chứa có thể là lợn nhà; lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Các véc tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

Thời kỳ lây truyền: Hiện nay chưa được biết đầy đủ. Khả năng khi lợn bị bệnh, vi khuẩn S.suis biến đổi và tăng độc tính mới lây nhiễm cho người. Chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Phương thức lây truyền: Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ  bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.

Biểu hiện của bệnh: Biểu hiện của tình trạng viêm màng não với các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.

Chẩn đoán xác định: Tìm thấy S.suis gây bệnh (thường là S.suis týp II) khi nuôi cấy bệnh phẩm (máu người bệnh hoặc các mô, tổ chức bị tổn thương) hoặc tiến hành làm xét nghiệm huyết thanh học hoặc làm phương pháp sinh học phân tử (PCR).

Biện pháp phòng bệnh:

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn:

– Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

– Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

– Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới – WHO khuyến cáo trên 700C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

– Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

– Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Biện pháp chống dịch:

Khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn, xảy ra thì phải xử lý đúng như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm:

– Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.

– Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.

– Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.

Bác sỹ Nguyễn Vinh Quang- Trung tâm KSBT tỉnh Vĩnh Phúc

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *