Trang chủ Tin tức và sự kiện Bản tin y tế Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Getting your Trinity Audio player ready...

Tại Nghệ An vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu khiến nhiều người lo lắng. Theo các chuyên gia y tế thì mọi người dân cần bình tĩnh, chủ động thực hiện theo các khuyến cáo chính thức của ngành Y tế. Vậy nếu trẻ mắc bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện ra sao, cách chăm sóc trẻ như thế nào?

Bệnh bạch hầu lây qua đường nào? Cách phòng tránh lây nhiễm

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, hay gặp ở trẻ độ tuổi dưới 15. Bệnh dễ lây lan và thành dịch nếu không được tiêm chủng và tiêm mũi nhắc lại

Bạch hầu là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí tử vong rất nhanh. Do đó, việc phát hiện, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công của việc trị bệnh. 

Hiện đã có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine giúp kiểm soát, ngăn ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả.

Bệnh bạch hầu dễ lây lan qua đường hô hấp

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium Diphtheria và dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc gián tiếp tiếp xúc với vi khuẩn. Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ thì sẽ dễ bị mắc bệnh.

Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại, vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.

Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.

Trẻ mắc bệnh bạch hầu có biểu hiện như thế nào?

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và gây tử vong. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu cổ sưng to, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố.

Bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. 

Biến chứng khi trẻ mắc bệnh bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến suy hô hấp; viêm phổi; viêm cơ tim; gây rối loạn nhịp tim; suy tim; gây liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động… và có thể tử vong.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, vì vậy việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng. Chẩn đoán bệnh bạch hầu thường được dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm máu. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể.

Cần cho trẻ nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi tuyệt đối và cách ly từ 2 – 3 tuần. Nghỉ ngơi rất quan trọng, nhất là những trường hợp có biến chứng viêm cơ tim.

Vệ sinh cá nhân: Vệ sinh răng miệng. Vệ sinh mắt, tai, mũi. Vệ sinh da và xoay trở ngừa loét. Tẩy uế các chất bài tiết của người bệnh đúng quy cách.

Nuôi dưỡng: Cho ăn thức ăn sệt ở người liệt vòm hầu để tránh sặc. Nếu bị nặng có biến chứng liệt vòm hầu, hầu họng thì cho ăn qua ống thông dạ dày và truyền dịch ưu trương. Đảm bảo ăn đủ năng lượng.

Cha mẹ chú ý tuyệt đối không tự điều trị, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào khác. Tự điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và khiến cho bệnh trở nên khó điều trị hơn. Cần theo dõi các triệu chứng của bệnh và báo cáo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu của sự suy giảm hoặc tình trạng khó chịu.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện tại vaccine bạch hầu thường được bào chế dưới dạng phối hợp với các vaccine khác, giúp phụ huynh tiện lợi trong việc đưa trẻ đi tiêm ngừa. Vì tương lai của trẻ, hãy cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Hoàng Thị Lệ Thúy – Khoa TTGDSK

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *