Getting your Trinity Audio player ready...
|
Hiện nay việc sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV đượcsử dụng rất rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Thuốc kháng virus để dự phòng được sử dụng cho các đối tượng khác nhau trong các tình huống khác nhau.
Sau đây là một số biện pháp dự phòng bằng thuốc kháng virus được áp dụng phổ biến tại Việt Nam.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP – Post-Exposure Prophylaxis)
PEP, hay còn gọi là dự phòng sau phơi nhiễm, là việc sử dụng thuốc kháng virus HIV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người âm tính với HIV và đã phơi nhiễm với HIV.
PEP là một đợt điều trị ngắn hạn gồm các loại thuốc điều trị HIV được dùng ngay sau khi có khả năng bị phơi nhiễm với HIV để ngăn không cho virus xâm nhập vào cơ thể bạn. Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cần được chỉ định và sử dụng càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi có khả năng bị phơi nhiễm với HIV, nếu không nó sẽ không hiệu quả.
Việc phơi nhiễm HIV có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp hoặc ngoài môi trường nghề nghiệp. PEP chỉ nên được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Nó không dành cho những người có thể bị phơi nhiễm với HIV thường xuyên. PEP có thể phù hợp với bạn nếu bạn âm tính với HIV hoặc không biết tình trạng nhiễm HIV của mình và bạn nghĩ rằng mình có thể đã tiếp xúc với HIV trong 72 giờ qua. PEP thường được sử dụng trong các tình huống sau:
Thứ nhất là phơi nhiễm với máu hoặc dịch cơ thể khi thực hành nghề nghiệp: cán bộ y tế bị bơm kim tiêm dính máu đâm vào tay khi làm thủ thuật, tiếp xúc trực tiếp với máu khi cấp cứu; công an trấn áp tội phạm tiếp xúc với máu của tội phạm…
Thứ hai là khi quan hệ tình dục không an toàn (ví dụ: bạn đã bị rách bao cao su với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV hoặc quan hệ với bạn tình nhiễm HIV mà không biết tải lượng virus hoặc tải lượng virus không bị ức chế).
Thứ ba là khi tiêm chích ma túy: dùng chung hoặc các thiết bị khác được sử dụng để tiêm chích ma túy, hoặc khi bị tấn công tình dục (hãm, hiếp, cưỡng dâm…).
PEP có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV khi được sử dụng đúng cách, nhưng cũng không phải đạt hiệu quả 100%. Trong khi thực hiện PEP, điều quan trọng là phải sử dụng các phương pháp phòng ngừa HIV khác, chẳng hạn như sử dụng bao cao su đúng cách, mỗi khi bạn quan hệ tình dục; sử dụng kim tiêm sạch khi tiêm chích ma túy.
PEP cũng chỉ nên được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Nó không nhằm thay thế việc sử dụng thường xuyên các phương pháp dự phòng HIV khác.
Điều trị để dự phòng (TasP- Treatment as Prevention)
Trong những năm gần đây các bằng chứng khoa học và lâm sàng đã chứng minh rằng khi người nhiễm HIV đã điều trị ARV ổn định, đạt kết quả và duy trì tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện thì không lây truyền cho người khác qua đường tình dục. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng không có một ca nhiễm mới nào xuất hiện trong các cặp dị nhiễm mà người có HIV đã điều trị ARV với kết quả tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml.
Hiện nay khái niệm hay thông điệp U = U (Undetectable = Untransmittable) hay K = K (Không phát hiện = Không lây nhiễm) đã được khuyến cáo và chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Khi tuân thủ điều trị, ARV có thể làm giảm tải lượng virus HIV trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo và dịch trực tràng của một cá nhân xuống mức thấp đến mức các xét nghiệm máu không thể phát hiện được. Tình trạng này được mô tả là tải lượng virus “không thể phát hiện được” hoặc “ức chế vi rút”. Trong những trường hợp này, khi không phát hiện được tải lượng virus của một người nào đó, thì sức khỏe của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi HIV và họ không thể truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. Việc ức chế virus chỉ có thể được xác nhận nếu một người đang sử dụng dịch vụ hỗ trợ điều trị, theo dõi và xét nghiệm tải lượng virus thường xuyên từ các cơ sở y tế.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP – pre-exposure prophylaxis)
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là sử dụng thuốc kháng virus HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có các hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo về sử dụng PrEP uống hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao vào năm 2014 và trong khuyến cáo bổ sung năm 2016 nhấn mạnh PrEP có chứa tenofovir disproxil fumarate (TDF) nên được cung cấp như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng kết hợp cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Gần đây nhất, tháng 7 năm 2019, bên cạnh PrEP uống hằng ngày, WHO khuyến cáo sử dụng PrEP tình huống (ED-PrEP) đối với nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). PrEP uống hằng ngày là sử dụng thuốc ARV có chứa tenofovir uống hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP uống hằng ngày dùng cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, bao gồm MSM, người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy và vợ, chồng, bạn tình âm tính của người có HIV. PrEP tình huống (event-driven PrEP hay ED-PrEP), là sử dụng thuốc ARV uống 2 viên trước khi có quan hệ tình dục qua đường hậu môn từ 2 đến 24 giờ và tiếp tục uống viên thứ 3 sau 24 giờ uống liều đầu tiên và viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai. ED-PrEP chỉ sử dụng cho MSM có quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Phòng chống HIV/AIDS –Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc
Leave a comment