Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Sức khỏe môi trường - Y tế trường học Bài phát thanh “Hướng dẫn bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ”

Bài phát thanh “Hướng dẫn bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ”

Getting your Trinity Audio player ready...

Bà con nhân dân và các bạn thân mến!

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước và môi trường sống thường bị nhiễm bẩn do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,… lẫn vào nước sông, suối, ao hồ tràn vào các hộ gia đình.

Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông,…), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn,…

Bên cạnh việc khắc phục thiệt hại, việc vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý nước sạch và đảm bảo vệ sinh cá nhân là vô cùng quan trọng để phòng chống dịch bệnh.

Do đó, Ngành Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau mưa lũ như sau:

1. Đối với nguồn nước sinh hoạt:

Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để ăn uống, sinh hoạt.

Sau khi nước rút, cần vệ sinh kỹ lưỡng các bể nước, giếng khoan bằng cách cọ rửa, khử trùng.

Làm trong nước bằng cách hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước (liều lượng: 10 gam phèn chua cho 200 lít nước), tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần, sau đó để từ 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.

Sử dụng hóa chất khử trùng nước: Có thể sử dụng các hóa chất khử trùng như Chloramine B theo hướng dẫn của nhân viên y tế để xử lý nước.

Đun sôi nước trước khi sử dụng là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong nước.

2. Vệ sinh môi trường:

Dọn dẹp nhà cửa, khu vực xung quanh: Thu gom rác thải, xác động vật chết, khơi thông cống rãnh, lấp các hố bùn.

Tẩy uế: Sử dụng các hóa chất tẩy uế như vôi bột, Chloramine B để xử lý các khu vực bị ô nhiễm nặng.

Diệt muỗi, côn trùng: Muỗi là tác nhân truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Hãy sử dụng các biện pháp diệt muỗi như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nước, phun thuốc diệt muỗi.

3. Vệ sinh cá nhân:

Rửa tay thường xuyên: bằng xà phòng dưới nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với rác thải.

Tắm rửa sạch sẽ: bằng nước sạch và xà phòng hàng ngày, đặc biệt là sau khi làm việc ở những nơi ô nhiễm.

Ăn chín, uống sôi: Nấu chín thức ăn, uống nước đun sôi để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Lưu ý cần:

Theo dõi sức khỏe bản thân và gia đình, nếu có dấu hiệu bất thường như sốt, tiêu chảy, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo lịch tiêm chủng để tăng cường sức đề kháng.

Toàn dân chung tay thực hiện tốt các biện pháp trên để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh sau mùa mưa bão.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc.

Bài phát thanh MP4:

Trần Thị Thu Hương – PTK TTGDSK

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc