Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Bệnh không truyền nhiễm Hen phế quản và các biện pháp phòng ngừa

Hen phế quản và các biện pháp phòng ngừa

Getting your Trinity Audio player ready...

Hen phế quản là bệnh hô hấp, do tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt và tăng tiết đàm gây tắc nghẽn và hạn chế luồng khí vào và ra khỏi phổi. Đồng thời xuất hiện các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian về cường độ, thường xảy ra vào ban đêm hoặc gần sáng, có thể hồi phục tự nhiên hoặc dùng thuốc.

Những quan niệm sai lầm phổ biến xung quanh bệnh hen suyễn bao gồm:

  1. Hen phế quản là một căn bệnh ở trẻ em.
  2. Bệnh hen phế quản là bệnh truyền nhiễm.
  3. Người bị hen phế quản không nên tập thể dục.
  4. Hen phế quản chỉ có thể kiểm soát được bằng steroid liều cao.

Nhưng sự thật là:

  1. Hen phế quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (ở trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi).
  2. Bệnh hen phế quản là không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút (chẳng hạn như cảm lạnh thông thường và cúm) có thể gây ra các cơn hen phế quản. Ở trẻ em, bệnh hen phế quản thường liên quan đến dị ứng, nhưng bệnh hen phế quản ở người trưởng thành thì thường ít bị dị ứng hơn.
  3. Khi bệnh hen phế quản được kiểm soát tốt, bệnh nhân hen phế quản có thể hoạt động thể lực như tập thể dục bình thường.
  4. Hen phế quản thường có thể kiểm soát được bằng steroid dạng hít liều thấp.

Nguyên nhân gây ra bệnh Hen phế quản

Hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân phát sinh chính xác của bệnh hen phế quản. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây ra bệnh.

– Yếu tố di truyền: 50% – 60% liên quan đến yếu tố này. Theo một số nghiên cứu bố hoặc mẹ bị hen thì nguy cơ con mắc bệnh hen 25% và nếu bố và mẹ đều bị Hen phế quản thì tỷ lệ tăng gấp đôi.

– Yếu tố môi trường:

  • Dị nguyên trong nhà: Mạt bụi nhà, nấm mốc, lông thú  như: chó, mèo…
  • Dị nguyên ngoài nhà: Bụi đường phố, phấn hoa, hương khói hóa chất, ô nhiễm môi trường…
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus, vi khuẩn…
  • Nghề nghiệp: May, sơn, hóa chất…
  • Thức ăn: Trứng, hải sản và phụ gia thực phẩm
  • Thuốc: Aspirin
  • Khói thuốc lá

– Các yếu tố khác: Nội tiết, Stress, gắng sức, thay đổi thời tiết, mùi vị đặc biệt Khi bạn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trên sẽ kích phát cơn hen phế quản.

Phòng ngừa và điều trị bệnh Hen phế quản

Nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như:

– Vật nuôi, mạt nhà, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn.

– Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: chó, mèo, chim cảnh…

– Đeo khẩu trang khi ra đường: để tránh các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí…

– Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng.

– Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.

– Thực đơn hàng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất xơ,… Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là các loại trái cây giàu Vitamin C như: cam, bưởi, chanh,…

– Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Tuy nhiên, tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân.

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.

– Thực hiện tầm soát hen: Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là thực hiện tầm soát hen.

BS Đào Trường Nam

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc