Getting your Trinity Audio player ready...
|
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi rút Dengue. Mặc dù nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng đôi khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng thậm chí gây tử vong. Việc phòng chống Sốt xuất huyết phụ thuộc vào kiểm soát véc-tơ (vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn). Sốt xuất huyết chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do Sốt xuất huyết.
Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh với ước tính khoảng 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Số ca mắc bệnh đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây, với các trường hợp được báo cáo cho WHO đã tăng từ 505.430 trường hợp vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019. Phần lớn các trường hợp không có triệu chứng hoặc nhẹ và tự kiểm soát. Do đó số ca mắc Sốt xuất huyết được báo cáo có thể thấp hơn số ca mắc trên thực tế. Sốt xuất huyết hiện đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia trong các khu vực ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Năm 2010, tại Hội nghị của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 đã thống nhất chọn ngày 15 tháng 6 hàng năm được là Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, huy động các nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Đồng thời thể hiện cam kết của khu vực trong việc giải quyết căn bệnh này.
Theo báo cáo của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc/nghi mắc Sốt xuất huyết tại miền Bắc là 13.701 trường hợp, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023 (6.449 trường hợp). Tại Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 54 trường hợp mắc, giảm 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 (88 trường hợp), rải rác tại 09/09 huyện, thành phố.
Để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hãy thực hiện một số biện pháp dự phòng:
1. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ với các thông điệp truyền thông đã được Bộ Y tế và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe khuyến cáo. Phát động các chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết và tổ chức các hoạt động thiết thực khác để huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, cao điểm vào tháng 6/2023 nhằm hướng tới Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 13.
2. Vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình. Tập trung tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống chín; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch.
3. Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
4. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện, điều trị các dịch bệnh mùa hè ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.
5. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
6. Đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Bài phát thanh phòng, chống sốt xuất huyết kèm theo:
Leave a comment