Getting your Trinity Audio player ready...
|
1. PrEP là gì ?
PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) là sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV.
Thuốc PrEP hiện nay thường là kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng PrEP, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăng chặn không cho vi rút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể.
2. PrEP dành cho ai?
Những người chưa nhiễm HIV (xét nghiệm HIV âm tính) và có nguy cơ nhiễm HIV cao bao gồm:
- Có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (MSM, người tiêm chích ma túy, …);
- Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV ≥ 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV;
- Có một trong các yếu tố nguy cơ nhiễm HIV sau: Có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với hơn 01 bạn tình; Đã mắc hoặc đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; Đã sử dụng Điều trị Dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP); Có quan hệ tình dục để đổi lấy tiền hoặc hiện vật; Có sử dụng ma túy trong khi quan hệ tình dục;
- Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.
3. Những ai không dùng được PrEP?
- Người có HIV dương tính
- Người có kết quả xét nghiệm thanh thải Creatinin ước tính < 60ml/phút
- Người có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV;
- Người dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP;
- Người có cân nặng dưới 35 kg.
Do không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP, nên một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.
4. Dùng PrEP có an toàn không?
PrEP an toàn với mọi người kể cả phụ nữ mang thai. Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn, … Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Cần trao đổi với bác sỹ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (ít gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận, vì vậy điều quan trọng là người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ.
5. Điều trị PrEP ở đâu?
Hiện nay PrEP tại việt nam đã có mặt tại 28 tỉnh, thành phố lớn và trong tương lai không xa PrEP sẽ được triển khai trên 63 tỉnh thành phố. Tại Vĩnh Phúc khách hàng có nhu cầu khám, tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) thì đến đâu?
Địa chỉ khám, tư vấn và điều trị PrEP miễn phí tại Vĩnh Phúc:
– Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc (Cơ sở 2), Đường Nguyễn Tất Thành, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (cạnh Bệnh viện Lạc Việt Vĩnh Phúc).
– Số điện thoại để tư vấn điều trị PrEP: 0366316168
Nguyễn Tuấn Anh – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc
Leave a comment