Trang chủ Tin tức và sự kiện Tiêm vắc xin phòng dại là then chốt để cứu sống mạng người khi bị chó cắn

Tiêm vắc xin phòng dại là then chốt để cứu sống mạng người khi bị chó cắn

Getting your Trinity Audio player ready...

Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính mỗi năm trên thế giới có 59.000 người tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, bệnh dại là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hơn 70 người hàng năm.

Bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Thời gian ủ bệnh thường là 2-3 tháng nhưng có thể thay đổi dao động từ 1 tuần đến 1 năm tùy thuộc vào vị trí vết cắn, tải lượng vi rút dại, mức độ nghiêm trọng của vết cắn.

Bệnh có 2 thể chính là thể hung dữ và thể liệt. Thể hung dữ chiếm 80% các trường hợp với các biểu hiện đặc trưng như: sốt, đau đầu, bồn chồn, sợ nước, sợ gió, ảo giác, tăng tiết đờm dãi. Thể liệt chiếm 20% các trường hợp với triệu chứng liệt cơ bắp từ vị trí vết thương lan xung quanh, sau đó là liệt cơ hô hấp và tử vong.

Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người bởi vết cắn, vết cào, xước trên da.

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Các đối tượng có nguy cơ cao nên tiêm dự phòng vắc xin dại: bác sỹ thú y, người chăn nuôi gia súc, đặc biệt là người bị động vật nghi dại/ mắc bệnh dại cắn hoặc khi bị liếm mà trên da có vết thương hở.

Những người bị chó hoặc động vật nghi dại khác cắn cần đảm bảo những điều dưới đây để đảm bảo an toàn:

  • Rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng trong ít nhất 15 phút.
  • Rửa sạch lại vết thương bằng cồn iod hoặc povidone-londine.
  • Tuyệt đối không cố gắng nặn máu, chà sát vết thương.
  • Không đắp các loại thuốc lá hoặc bất kì chất gì vào vết thương.
  • Đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn: tiêm vắc xin phòng dại và tiêm huyết thanh kháng dại nếu cần.
  • Theo dõi tình trạng của chó hoặc động vật nghi dại khác trong vòng 15 ngày, trong trường hợp thấy động vật có biểu hiện dại hoặc chết phải báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khổng Văn Cường – TTKSBT

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *