Trang chủ Kiểm soát bệnh tật Sức khoẻ cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí

Sức khoẻ cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí

Getting your Trinity Audio player ready...

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang réo lên một hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Ô nhiễm môi trường được biết đến chính là tình trạng môi trường xuất hiện những chất độc hại, chất bẩn gây ra những tác động tiêu cực đến tự nhiên và cuộc sống con người. Ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra ở cả môi trường đất, nước và không khí gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cuộc sống con người.

Sức khỏe môi trường giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nước, không khí và đất, chất thải y tế, an toàn hóa chất, đánh giá tác động sức khỏe của các dự án phát triển trên cơ sở các tác nhân liên quan, các chất gây ô nhiễm và các yếu tố khác ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe môi trường nhằm hướng đến việc phòng ngừa bệnh tật và tạo ra môi trường lành mạnh về mặt sức khỏe. Hiện nay, tình hình diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, gây gia tăng nhiệt độ, gia tăng các vấn đề ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí,…) gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người như suy dinh dưỡng, các bệnh mãn tính không lây, phát sinh các bệnh, dịch bệnh do véc tơ từ những tác động mất cân bằng môi trường, từ đó làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Hiện nay, ô nhiễm không khí (ONKK) đã gây nên những tác động bất lợi cho cộng đồng. Vào năm 2019,  99% dân số thế giới đã và đang sống ở những nơi không đáp ứng được mức khuyến cáo về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).Một báo cáo khác của WHO, ô nhiễm không khí làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.Theo ước tính, khoảng 89% ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí xảy ra tại các quốc gia này, và đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, ONKK đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc và chế độ ăn uống. Theo những báo cáo khác thực hiện tại Hà Nội và Hồ Chí Minh cho thấy tiếp xúc với PM2.5 là nguyên nhân gây ra 1.136 ca tử vong sớm và giảm 1,8 năm tuổi thọ của người dân vào năm 2017.

Phơi nhiễm với ô nhiễm không khí gây tác động trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ con người, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người có bệnh lý hô hấp và tim mạch. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm như làm tăng nguy cơ mắc các viên đường hô hấp cấp, hen suyễn, đột quỵ và ung thư. Bên cạnh đó, có những trường hợp tử vong do ảnh hượng cộng gộp của nhiều chất gây ô nhiễm không khí cùng một thời điểm. Có thể kể đến ảnh hưởng của khí/hơi axit kết hợp với bụi mịn, sẽ đưa các hạt khí/hơi axit vào sâu trong các phế nang của phổi hoặc đi qua hàng rào máu não gây ra các bệnh lý tại hệ thống hô hấp và tiêu hoá.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Theo số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức độ ô nhiễm bụi mịn (PM10 và PM2.5) tại các đô thị vẫn còn ở ngưỡng cao. Nồng độ NO2, CO có xu hướng tăng lại tại các nút giao thông vào giờ cao điểm. Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số AQI cho thấy, số ngày có AQI ở mức kém tại các đô thị lớn chiếm tỷ lệ khá lớn, thậm chí chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ

Theo các dữ liệu thống kê, các tác động có hại chính của việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí được biểu hiện ở hệ hô hấp, tim mạch, mắt, da liễu, tâm thần kinh, huyết học, miễn dịch và sản khoa. Tuy nhiên, cũng có những bằng chứng chứng minh ô nhiễm không khí tác động đến cấp độ phân tử và tế bào gây ra nhiều loại ung thư về lâu về dài. Mặt khác ngay cả một lượng nhỏ chất độc không khí cũng được chứng minh là nguy hiểm cho nhóm dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em và người già, những người mắc các bệnh về đường hô hấp và tim mạch.

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ con người

Để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

– Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang

– Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

– Đối với nhóm người nhạy cảm (bao gồm người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch):

+ Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

+ Trong thời điểm không khí ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi-phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

+ Trẻ em nên tránh xa nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông.

+ Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

+ Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.

Bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm chính là trách nhiệm của mỗi một cá nhân và cả cộng đồng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người đều sẽ cần có những nhận thức rõ ràng và đúng đắn về các tác hại của ô nhiễm môi trường, chúng ta sẽ cần phải cải tạo lại tự nhiên và giảm thiểu đến mức tối đa các lượng rác thải, khí thải. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường để bảo vệ được Trái đất, bảo vệ được chính cuộc sống cũng như bảo vệ được sự phát triển của con người và tự nhiên.

Nguyễn Đông – Khoa SKMT – YTTH

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Sinh mổ cho con bú sữa mẹ như thế nào?

Getting your Trinity Audio player ready... Đối với các mẹ sinh con...

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Getting your Trinity Audio player ready... WHO khuyến khích mẹ có thể...

Có nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn?

Getting your Trinity Audio player ready... Nuôi con bằng sữa mẹ là việc...

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Vĩnh Phúc
© Copyright 2023 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc